Tổn thương não do đột quỵ có thể gây ra những di chứng nặng nề kéo dài suốt cuộc đời. Phục hồi chức năng sau đột quỵ có vai trò quan trọng giúp người bệnh có nhiều cơ hội hòa nhập trở lại hơn.
1. Ý nghĩa của phục hồi chức năng sau đột quỵ
Mặc dù một số bệnh nhân đột quỵ có thể hồi phục nhanh, nhưng nhiều trường hợp cần sự hỗ trợ dài hạn để có thể quay trở lại cuộc hàng ngày ở mức tối đa nhất có thể.
Quá trình phục hồi chức năng phụ thuộc vào triệu chứng và mức độ nặng của người bệnh, nhưng thường bắt đầu ngay khi đang điều trị tại bệnh viện và kéo dài tiếp tục đến khi người bệnh trở về nhà.
Phục hồi chức năng toàn diện cho người bệnh đột quỵ cần sự phối hợp của nhiều chuyên ngành: Vật lý trị liệu, tâm lý học, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ và phát âm, dinh dưỡng; sự đồng hành của bác sĩ và điều dưỡng viên chuyên ngành đột quỵ.
Trong quá trình trị liệu, người bệnh luôn cần được khích lệ tham gia thực hiện những hoạt động, và phải đề ra các mục tiêu cần đạt được trong mỗi giai đoạn của quá trình phục hồi.
Các biện pháp điều trị và phục hồi chức năng cho từng đối tượng cần phải được cá thể hóa, phụ thuộc và triệu chứng và mức độ nặng của người bệnh.
2. Các yếu tố tác động đến quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ
2.1 Tâm lý, tâm thần
Hai vấn đề tâm lý, tâm thần chính có thể tác động đến người bệnh đột quỵ là:
- Trầm cảm: Nhiều người có thể có những cảm giác chán nản, kích động, cảm thấy tuyệt vọng, tự ti về bản thân và tự mình tách ra khỏi các hoạt động xã hội thông thường.
- Lo lắng: Nhiều bệnh nhân cũng thường cảm thấy sợ hãi, lo lắng đôi khi cảm thấy căng thẳng quá mức hoặc mất kiểm soát về mặt cảm xúc dẫn đến sợ hãi.
Ngoài ra, người sau đột quỵ có thể có những vấn đề về mặt cảm xúc khác như giận dữ, cảm giác hoang mang, cảm giác tuyệt vọng.
Công việc trị liệu tâm lý trước tiên là cần phải đánh giá những cảm xúc mà người bệnh đang phải trải qua, để có thể đưa ra các liệu pháp tâm lý phù hợp. Điều này cần phải có sự phối hợp của gia đình, các mối quan hệ xung quanh người bệnh và tiến hành xuyên suốt các giai đoạn của quá trình phục hồi chức năng.
Phần lớn các vấn đề tâm lý khi phục hồi chức năng sau đột quỵ có thể được giải quyết một cách nhanh chóng. Nhưng ở những trường hợp nặng hoặc kéo dài, chuyên gia phục hồi chức năng có thể cần phải có sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên ngành tâm thần.
2.2 Ảnh hưởng về mặt nhận thức
Thuật ngữ “Nhận thức” nhằm ám chỉ nhiều quá trình và chức năng của não bộ để xử lý thông tin. Chức năng nhận thức có thể bị ảnh hưởng sau khi người bệnh đột quỵ, biểu hiện thông qua:
- Giao tiếp
- Nhận biết về không gian
- Trí nhớ
- Sự tập trung chú ý
- Chức năng điều hành của não bộ: Khả năng lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và lý giải về tình huống
- Thói quen: Khả năng tiến hành các kỹ năng hàng ngày như mặc quần áo, pha trà.
Việc đánh giá khả năng nhận thức cũng là một phần trong kế hoạch phục hồi chức năng cho người bệnh.
Kế hoạch phục hồi khả năng nhân thực có thể được bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như phục hồi khả năng giao tiếp thông qua việc trị liệu ngôn ngữ, phục hồi khả năng thực hiện các kỹ năng cơ bản nhất trong cuộc sống.
Có nhiều phương pháp để hỗ trợ khả năng nhận thức như: Sử dụng hỗ trợ trí nhớ, nhật ký và lịch trình thói quen để giúp hỗ trợ thực hiện các công việc hàng ngày.
Hầu hết các chức năng nhận thức sẽ trở lại theo quá trình phục hồi, nhưng khó có thể trở lại bình thường hoàn toàn như trước đây.
Tổn thương não do đột quỵ có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra sa sút trí tuệ, có thể xảy ra ngay sau bị đột quỵ hoặc tiền triển dần theo thời gian.
Xem ngay: Chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng ở người bị đột quỵ não
2.3 Vấn đề vận động
- Đột quỵ có thể gây ra yếu, liệt một nửa người, có thể rối loạn phối hợp và mất thăng bằng.
- Nhiều người bệnh có thể rất mệt mỏi trong vài tuần đầu sau đột quỵ và có thể có rối loạn về giấc ngủ, khiến tăng sự mệt mỏi.
- Vận động cũng là một phần rất quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ tập trung đánh giá tình trạng yếu liệt, có kế hoạch trị liệu cho người bệnh, tập trung vào các bài tập cải thiện sức cơ. Mục tiêu cuối cùng có thể giúp người bệnh có thể vận động được tốt nhất có thể.
- Mục tiêu phục hồi chức năng vận động được thiết lập từ đơn giản đến phức tạp, những mục tiêu đơn giản đầu tiên có thể như cầm nắm, nâng nhấc đồ vật. Khi vận động đơn giản được cải thiện, yêu cầu cao hơn có thể được đặt ra như đứng dậy, đi lại. Người thân trong gia đình hay nhân viên chăm sóc tại nhà có vai trò vô cùng quan trọng để khích lệ người bệnh cố gắng đạt được mục tiêu.
- Nếu người bệnh gặp khó khăn khi tắm, mặc quần áo thì hoạt động trị liệu sẽ giúp họ thích nghi với những cách sắp xếp vật dụng trong gia đình.
2.4 Vấn đề giao tiếp
Sau khi bị đột quỵ, nhiều người có rối loạn với phát âm và hiểu ngôn ngữ, cũng như những vấn đề về đọc, viết.
Nếu vùng não bị tổn thương chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, người bệnh sẽ biểu hiện thất ngôn. Nếu tổn thương ảnh hưởng đến các cơ vận ngôn, người bệnh sẽ có biểu hiện về phát âm, nói ngọng, nói không tròn tiếng.
Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ sẽ đánh giá đưa ra kế hoạch phục hồi chức năng sau đột quỵ cụ thể có thể bao gồm:
- Các bài tập cải thiện các cơ vận ngôn
- Sử dụng công cụ hỗ trợ giao tiếp như biểu đồ từ hoặc các công cụ hỗ trợ điện tử
- Sử dụng các phương pháp giao tiếp khác như ký hiệu hoặc viết.
2.5 Rối loạn nuốt
Tổn thương do đột quỵ có thể gây ra rối loạn quá trình nuốt thức ăn, có thể dẫn đến tổn thương phổi do sặc. Nhiều trường hợp có thể phải cho ăn qua sonde dạ dày trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục để dự phòng các biến chứng có thể xảy ra. Hoặc một số trường hợp có thể cần phải mở thông hỗng tràng để nuôi dưỡng kéo dài.
Chuyên gia ngôn ngữ và phát âm trị liệu có thể hướng dẫn những bài tập để kiểm soát vấn đề này như: Làm đồ ăn nhỏ hơn, các tư thế phù hợp khi ăn uống hay những bài tập để có thể kiểm soát được các cơ liên quan đến động tác nuốt.
2.6 Vấn đề về thị lực
Đôi khi tổn thương do đột quỵ có thể ảnh hướng đến quá trình tiếp nhận, xử lý hình ảnh thông tin qua mắt, gây ra tổn thương đến thị lực, thị trường của người bệnh. Hoặc có thể gây tổn thương cơ vận nhãn làm người bệnh có thể bị nhìn đôi.
Nếu người bệnh có vấn đề về mắt sau đột quỵ, cần phải có sự tham vấn của bác sĩ nhãn khoa. Nếu có vấn đề về thị trường có thể có những bài tập về vận động mắt, hoặc có thể có những lời khuyên khi thực hiện các công việc hàng ngày với mắt bị tổn thương…
2.7 Rối loạn đại tiểu tiện
Đột quỵ có thể gây rối loạn kiểm soát cơ thắt bàng quang và hậu môn, gây bí tiểu hoặc tiểu tiện không tự chủ, hoặc táo bón kéo dài. Người bệnh lúc này cần có sự tham vấn và hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa để có thể có những bài tập hay sự thích nghi như
- Bài tập tăng sức chịu của bàng quang
- Sử dụng thuốc
- Bài tập các cơ sàn chậu
- Sử dụng các chế phẩm điều trị tiểu són, tiểu không tự chủ
2.8 Tình dục sau đột quỵ
Không có gì đảm bảo là bạn sẽ không có nguy cơ đột quỵ tái phát, nhưng cũng không có bằng chứng nào cho thấy quan hệ tình dục làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ. Một số thuốc điều trị trong quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ có thể làm giảm khả năng tình dục. Do đó, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ tình trạng nếu gặp phải vấn đề này. Bác sĩ có thể thay đổi thuốc để cải thiện tình trạng.
Một số trường hợp có thể rối loạn cương dương và xuất tinh sau khi bị đột quỵ. Để cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần, hãy trao đổi với chuyên gia phục hồi chức năng của bạn để có những phương án hỗ trợ.
2.9 Lái xe sau đột quỵ
Nếu bị đột quỵ hay đột quỵ não thoáng qua, bạn không thể và cũng không nên lái xe tối thiểu là 1 tháng. Khả năng lái xe an toàn lúc này phụ thuộc vào tổn thương, khả năng hồi phục của bạn và loại phương tiện bạn điều khiển. Thường thì không chỉ vấn đề thể chất mà các khả năng tập trung, thị lực, nhận thức và phản xạ có thể thay đổi và tiến triển dần sau đột quỵ, làm hạn chế khả năng lái xe. Do đó, nếu muốn tự mình lái xe trở lại, bạn cần phải được đánh giá sức khỏe thật kỹ.
3. Dự phòng đột quỵ tái phát như thế nào?
Nguy cơ xuất hiện đột quỵ tái phát cao gấp nhiều lần so với đột quỵ ban đầu. Do đó, cần phải có kế hoạch kiểm soát các yếu tố nguy cơ để ngăn ngừa tái phát. Ví dụ:
- Thuốc kiểm soát huyết áp
- Thuốc chống đông hoặc chống ngưng tập tiểu cầu giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
- Thuốc điều trị kiểm soát mỡ máu
Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi lối sống, cải thiện chế độ ăn làm giảm nguy cơ đột quỵ.
- Ăn chế độ ăn tốt cho tim mạch
- Tập thể dục thường xuyên
- Dừng uống thuốc
- Giảm uống rượu bia
4. Chăm sóc người đột quỵ đang trong quá trình hồi phục như thế nào?
Có rất nhiều cách có thể hỗ trợ người bị đột quỵ đang trong quá trình phục hồi chức năng bao gồm:
- Giúp đỡ họ thực hiện các bài tập vật lý trị liệu ở những giai đoạn nhân viên y tế không có mặt ở nhà.
- Hỗ trợ động viên về mặt tình cảm, động viên người bệnh rằng tình trạng có thể cải thiện theo thời gian.
- Khích lệ người bệnh đạt được các mục tiêu được đặt ra trong quá trình phục hồi chức năng.
- Thích nghi tất cả các vấn đề người bệnh có thể gặp phải, chẳng hạn như nói thật chậm nếu họ có gặp vấn đề trong giao tiếp.
Chăm sóc người bệnh đang phục hồi sau đột quỵ đang trong tình trạng tuyệt vọng và cảm thấy bị cô độc. Những lời khuyên sau có thể có ích.
4.1 Chuẩn bị cho sự thay đổi hành vi
Người bệnh có thể có những thay đổi về tính cách và xuất hiện những hành vi bất thường. Điều này có thể là hậu quả về mặt tâm lý và nhận thức của đột quỵ. Người sau đột quỵ có thể trở nên nóng nảy hay bực tức với mọi người. Có thể bạn sẽ thấy rất khó chịu, tuy nhiên hãy kiềm chế cảm xúc cá nhân, để cái tôi sang một bên. Người bệnh sẽ dần trở lại con người của họ trước đây trong quá trình hồi phục và phục hồi chức năng.
4.2 Cố gắng đề người bệnh luôn suy nghĩ tích cực
Quá trình phục hồi chức năng có thể là không nhanh và dễ làm nản lòng, nên việc kiên trì và duy trì liên tục là rất quan trọng. Hãy động viên cổ vũ đồng hành cùng người bệnh, để họ luôn tích cực cố gắng đạt được mục tiêu ở mỗi giai đoạn phục hồi chức năng.
4.3 Người chăm sóc cũng cần dành thời gian cho bản thân
Chăm sóc một người bị đột quỵ rất cần sự hy sinh và dễ bị nản lòng, cần sự thời gian và kiên trì. Tuy nhiên cũng không được bỏ qua sức khỏe thể chất và tinh thần của chính bạn. Các hoạt động xã hội cùng bạn bè hay theo đuổi một sở thích khi có thời gian rảnh sẽ giúp bạn lấy lại được nguồn năng lượng để có thể xử lý tốt hơn những tình huống có thể xảy ra và nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.
Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.